Đầu tháng 12 vừa qua, Tép Bạc đã vượt qua nhiều start-up khác để trở thành quán quân Start-up Việt 2020. Người sáng lập và điều hành Tép Bạc là chàng trai 9X có tên Trần Duy Phong.
Cung cấp thông tin hữu ích
Nhiệm vụ quan trọng nhất của Tép Bạc là hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản thay đổi thói quen và mạnh dạn ứng dụng công nghệ hiện đại vào nuôi trồng, từ đó nâng cao chất lượng các loại thủy sản xuất khẩu. "Tép Bạc cũng hỗ trợ các trại nuôi cách đo các chỉ số, nhật ký về quy trình, chứng nhận xuất khẩu quốc tế... Dự án (DA) tạo ra nền tảng công nghệ từ đám mây (cloud) giúp chủ nuôi theo dõi nhật ký nuôi, tính toán chi phí, cảnh báo diễn biến bất thường của môi trường và kết nối cùng chuyên gia" - Phong cho biết.
CEO Trần Duy Phong trình bày dự án Tép Bạc tại cuộc thi Start-up Việt 2020
Phong cùng đội ngũ xây dựng Tép Bạc từ năm 2017 với ý tưởng ban đầu là chia sẻ thông tin, kiến thức nuôi trồng thủy sản để người dân nâng cao kiến thức và phòng tránh những rủi ro. Nhưng khi nhận thấy tiềm năng của ngành, Phong đã từng bước phát triển Tép Bạc thành một dự án. Phong chia sẻ ngành nuôi trồng thủy hải sản Việt Nam rất tiềm năng, xuất khẩu ra nhiều nước, mang về nhiều tỉ đô-la Mỹ. Thủy sản của Việt Nam rất đa dạng, chất lượng tốt nhưng lại không có cơ sở dữ liệu gì để chứng minh với khách hàng khó tính nên rất khó thâm nhập thị trường lớn. Thêm nữa, việc nuôi trồng thủy sản hiện phụ thuộc nhiều vào thời tiết, đặc biệt là nông dân không có người tham vấn về sự cố trong quá trình nuôi trồng. Do vậy, khi triển khai dự án, Phong tự tin Tép Bạc sẽ làm tất cả để góp phần cùng người dân đưa thủy hải sản Việt Nam đến mọi thị trường trên thế giới với giá trị mang lại cho người nuôi cao hơn hiện tại.
Bộ sục khí oxy làm sạch và cung cấp oxy cho ao, hồ.
Đến nay, Tép Bạc còn là cơ sở thông tin thủy sản cung cấp thông tin hữu ích trong ngành nuôi, kỹ thuật nuôi, tình hình giá cả và nhận được nhiều sự quan tâm của đông đảo người dân với khoảng 10.000 lượt truy cập mỗi ngày. Tép Bạc đã phát triển thiết bị quan trắc môi trường nước tự động tích hợp cùng phần mềm, giải quyết các rủi ro về thay đổi môi trường và tiết kiệm nhiên liệu. Hơn 2 năm qua, ứng dụng và thiết bị đã được thử nghiệm tại các trại nuôi ở các tỉnh ĐBSCL và thu được kết quả rất khả quan.